14:35 | 25/03/2025
“Tôi có thể sẽ cho nhiều quốc gia được hưởng ưu đãi”, ông Trump phát biểu nhưng không nêu cụ thể những quốc gia nào.
Hai điều chỉnh quan trọng được ông Trump công bố tại cuộc họp báo là:
Thứ nhất, gia hạn và nới lỏng thời hạn áp thuế: Các mức thuế quan đối với nhiều mặt hàng như ô tô, gỗ xẻ, dược phẩm và chất bán dẫn có thể sẽ không được áp dụng ngay tại thời điểm 2/4 như ban đầu dự kiến.
Thứ hai, mức thuế với Venezuela: Ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với bất kỳ quốc gia nào mua dầu hoặc khí đốt từ Venezuela.
Tuy nhiên, theo CNN, thị trường Mỹ dường như phớt lờ những bình luận này và cổ phiếu tiếp tục tăng sau đợt tăng giá sáng 25/4.
![]() |
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/3/2025. (Ảnh: Reuters) |
Theo ABC News (Mỹ), các quan chức trong chính quyền Trump gần đây thể hiện thái độ mềm mỏng hơn về chính sách thuế quan. Ông Kevin Hassett, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, phát biểu trên Fox News: "Một trong những điều thị trường mong đợi là các mức thuế lớn áp dụng cho tất cả các quốc gia. Nhưng tôi nghĩ thị trường cần thay đổi kỳ vọng, vì không phải mọi quốc gia đều gian lận thương mại với Mỹ - chỉ có một số ít quốc gia và những nước đó sẽ phải chịu thuế".
Các nguồn tin cho biết chính quyền Trump đang tập trung vào các đối tác thương mại có tình trạng mất cân bằng thương mại lớn với Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent tuần trước tiết lộ: "Chỉ khoảng 15% các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng nhóm này chiếm phần lớn trong tổng khối lượng giao dịch của chúng tôi".
Theo dữ liệu điều tra dân số liên bang, năm ngoái Mỹ có mức thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, EU, Mexico, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Thụy Sĩ, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Nam Phi.
Theo CNN (Mỹ), chính quyền Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc đảo ngược trong nhiều ngày. Trước đó, ngày 21/3, phát biểu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump đã ám chỉ rằng chính quyền của ông sẽ cho phép "linh hoạt" về thuế quan. Đây là dấu hiệu đầu tiên về khả năng miễn trừ sau khi ông khẳng định sẽ không có ngoại lệ nào.
Trump cho biết ông còn do dự khi ban hành các biện pháp miễn trừ thuế quan, nhưng trước đây ông đã thừa nhận rằng việc áp dụng thuế quan bằng búa tạ thay vì dao mổ đôi khi có thể gây ra tác hại không đáng có cho người Mỹ và lợi ích của Mỹ.
“Tôi không thay đổi. Nhưng từ "linh hoạt" là một từ quan trọng”, ông Trump nói hôm 21/3. Tuy nhiên, ông vẫn lưu ý rằng hầu hết các mức thuế quan sẽ chỉ là khớp với mức thuế của các nước khác mà không có ngoại lệ.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra. EU đã hoãn các mức thuế trả đũa dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/4, khi các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn. Mexico và Canada cũng hoãn các kế hoạch trả đũa thuế quan của Mỹ để chờ kết quả thương lượng.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng các tuyên bố thuế quan của chính quyền Trump có thể chỉ là chiến thuật đàm phán hơn là chính sách sẽ được thực thi nghiêm túc.
Chuyên gia kinh tế Antoine Bouet thuộc Trung tâm Nghiên cứu CEPII (Pháp) từng nhận định: "Ông Trump luôn sử dụng thuế quan như một công cụ gây áp lực chính trị. Ông ấy không chỉ nhằm mục đích trừng phạt, mà còn muốn buộc các đối tác phải nhượng bộ trong các vấn đề như nhập cư, chống ma túy và bảo vệ việc làm cho người Mỹ".
Minh Thái (tổng hợp)