09:55 | 05/04/2025
![]() |
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. (Ảnh: Báo Nhân dân) |
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Tờ trình và Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an chủ trì xây dựng. Đây là một trong những nội dung quan trọng sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (dự kiến vào tháng 10/2025).
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều. Trong đó, giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 6 điều và bãi bỏ 18 điều so với Bộ luật hiện hành. Điểm nổi bật trong lần sửa đổi này là đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 trong tổng số 18 tội danh hiện còn khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Theo Bộ Công an, sau hơn 8 năm thi hành, Bộ luật Hình sự đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập do bối cảnh kinh tế - xã hội, chính trị, pháp lý đã có nhiều thay đổi sâu sắc. Trong đó, các quy định về án tử hình được đánh giá là còn chưa phù hợp với thực tiễn, khi một số tội danh tuy vẫn giữ khung hình phạt tử hình nhưng không còn được Tòa án áp dụng trên thực tế.
Tờ trình dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) với 5 tội danh: tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”, tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” và tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược”.
Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình tương tự với 3 tội danh khác là: “Gián điệp”, “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ” - những tội danh mà trong thực tiễn xét xử những năm gần đây hoặc rất ít, hoặc không còn áp dụng hình phạt tử hình.
Tỷ lệ bỏ án tử hình theo đề xuất lần này chiếm khoảng 44,44% số tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình trong Bộ luật hiện hành - động thái được đánh giá là phù hợp với xu thế lập pháp quốc tế, thể hiện quan điểm đề cao quyền con người và tinh thần nhân đạo trong cải cách tư pháp hình sự của Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng bổ sung nhiều quy định quan trọng khác nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý liên quan đến án tử hình. Cụ thể, dự thảo đề xuất cho phép Tòa án được quyền tuyên hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn 2 năm đối với người bị kết án, đồng thời bổ sung cơ chế pháp lý về việc chuyển đổi hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn sau khi hết thời hiệu thi hành án.
Đối với các trường hợp đặc biệt như người bị bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm nguy kịch như AIDS, hiện pháp luật chưa có quy định loại trừ hoặc hoãn thi hành án tử hình, gây lúng túng cho các cơ quan thực thi pháp luật. Việc sửa đổi lần này cũng nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý, góp phần bảo đảm nhân đạo trong thi hành án hình sự.
Bộ Công an cũng đề xuất nâng mức hình phạt đối với một số hành vi phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường và ma túy, nhằm tăng cường tính răn đe và bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ tương lai.
Việc xây dựng dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này không chỉ nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn thể hiện rõ quan điểm đổi mới tư duy hình sự theo hướng nhân đạo, nghiêm minh và hiệu quả. Đây được kỳ vọng sẽ là bước tiến lớn trong tiến trình cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, bảo đảm công bằng, công lý và quyền con người trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
![]() Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với những người phạm tội. Theo đó, dịp 2/9/2023, Chủ tịch nước đã ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 11 bị án, ngoài ra có hàng nghìn phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. |
![]() Giải quyết việc làm là mục tiêu quan trọng trong chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo thu nhập, ổn định cuộc sống của người lao động. |
Tú Anh (t/h)