Khám phá nét táo bạo của nhà điêu khắc Lê Công Thành qua triển lãm “Ảnh tượng”

05:26 | 26/04/2018

TĐO - “Những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành là kết tinh của vốn sống, vốn hiểu biết dồi dào về nghệ thuật căng đầy trong huyết quản; là kết quả của sự sáng tạo miệt mài, đam mê đổi mới không ngừng nghỉ và còn là thành công của một nghệ sĩ luôn khao khát xây dựng một phong cách độc đáo cho riêng mình”, đó là chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm, Trưởng ban Tổ chức tại Triển lãm “Ảnh tượng” của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành, người đã có góp phần to lớn trong việc làm giàu cho nền nghệ thuật nước nhà.

kham pha net tao bao cua nha dieu khac le cong thanh qua trien lam anh tuong

Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: PM)

Triển lãm “Ảnh tượng” hội tụ 50 bức ảnh về các tác phẩm tượng chất liệu thạch cao, đồng và sắt với hai thể loại tượng tròn và tượng tấm mỏng, mang giá trị nghệ thuật cao và có sức lan tỏa trong đời sống nhờ tổng hợp nghệ thuật trong và ngoài nước của nhà điêu khắc Lê Công Thành.

Trong phần lớn các tác phẩm, tác giả dành sự ưu ái hơn cả cho đề tài người phụ nữ. Ông từng chia sẻ, “Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước vẻ đẹp của phụ nữ. Tôi cần vẻ đẹp mà trong tôi không có. Đó là một nửa của tôi”. Bởi vậy, mỗi tác phẩm hiện lên dưới đôi bàn tay của nghệ sĩ Lê Công Thành không chỉ toát lên phong cách sống giản dị đầy tự do, phóng khoáng, mà hơn thế còn bộc lộ rõ nét tình yêu, sự trân trọng, nâng niu và cả sự tôn thờ của ông với phái đẹp.

Góp mặt tại triển lãm, bà Nguyễn Kim Thái - vợ của nhà điêu khắc Lê Công Thành cho biết: Các sáng tác của ông được xây dựng nên nhờ sự quan sát kỹ lưỡng, sự thấu cảm và tính khái quát cao. Bên cạnh hình ảnh người phụ nữ, những cánh chim hòa bình hay những đồ vật đậm nét văn hóa Việt cũng là đề tài mà tác giả khai thác.

kham pha net tao bao cua nha dieu khac le cong thanh qua trien lam anh tuong

Họa sĩ Bằng Lâm chia sẻ tại triển lãm. (Ảnh: PM)

Thông qua 50 bức ảnh với các góc chụp đẹp mắt, tinh tế, sắc sảo, thể hiện đầy đủ nhất giá trị của các tác phẩm tượng, trí tưởng tượng của người xem đã có cơ hội được giải phóng, công chúng yêu nghệ thuật có dịp được đắm mình trong không gian của những khối - hình vừa tròn trịa, căng mọng, vừa đường nét, thanh tao.

Bà Hồ Thị Kim Cúc (Hà Nội) chia sẻ: “Lê Công Thành là một nhà điêu khắc tài ba và đầy táo bạo. Đề tài phụ nữ tuy không mới nhưng cách thể hiện của ông lại hết sức khác biệt. Ông dám điêu khắc những gì đẹp nhất, kín đáo nhất của người phụ nữ. Đẹp mà không hề dung tục khiến người xem thấy thán phục, ngưỡng mộ chính là ấn tượng sâu sắc hơn cả. Đối với tác phẩm của ông, người xem cần thời gian thích nghi, chiêm ngưỡng để cảm nhận được sự tinh tế và tính nghệ thuật ẩn giấu bên trong.”

Diễn ra từ ngày 21-25/4 tại Trung tâm Triển lãm, mỹ thuật và nhiếp ảnh Hà Nội, Triển lãm “Ảnh tượng” của nhà điêu khắc Lê Công Thành là sự kiện quan trọng trong đời sống của những nhà sáng tác điêu khắc, thu hút nhiều văn nghệ sĩ thủ đô, Việt kiều cùng đông đảo công chúng trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm. “Tuy ‘kén’ công chúng, song với sự tươi mới bền bỉ, các tác phẩm của nhà nghệ thuật Lê Công Thành sẽ luôn tìm được chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Nghệ thuật của ông cũng vì thế mà sống mãi với thời gian”, họa sĩ Bằng Lâm khẳng định.

kham pha net tao bao cua nha dieu khac le cong thanh qua trien lam anh tuong

Một số tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm. (Ảnh: PM)

Nhà điêu khắc Lê Công Thành (1/2/1932) quê ở quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp khoá Tô Ngọc Vân (1955-1957) và Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khoá I (1957-1962); là thực tập sinh tại Trường Đại học Mỹ thuật Matxcova, Liên Xô cũ (1968-1970); hội viên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1962. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông là giảng viên khoa điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1965-1975); Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó Chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983- 1989); nghệ sĩ tổ sáng tác Hội Mỹ thuật Việt Nam (1975-1991). Trong quá trình công tác, ông đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước. Ông là một nghệ sĩ lao động đầy tâm huyết, cho ra đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về điêu khắc và hội họa. Nhắc tới Lê Công Thành, người yêu nghệ thuật không thể không nhắc tới công trình tượng Nữ dân quân (1969); tượng tròn Bác Hồ và các cháu (1972); tượng Vân dại (1973); tượng đài Núi Thành (1985) - tác phẩm điêu khắc đồ sộ tầm cỡ tại miền Trung…

Phương Mai

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/kham-pha-net-tao-bao-cua-nha-dieu-khac-le-cong-thanh-qua-trien-lam-anh-tuong-52842.html

In bài viết