Chôm chôm Việt chính thức có "giấy thông hành" sang New Zealand

09:18 | 11/04/2018

Ngày 10/4, tại Hà Nội, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, đã chính thức trao “giấy phép” nhập khẩu chôm chôm Việt Nam cho đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT).

Bộ NN&PTNT đánh giá cao việc New Zealand không ngừng có những hỗ trợ thiết thực và hợp tác hiệu quả với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua các dự án phát triển như: Dự án phát triển giống trái cây mới giá trị cao tại tỉnh Tiền Gang, dự án rau an toàn tại tỉnh Bình Định,… và bây giờ là tiếp tục hỗ trợ để chôm chôm được XK vào thị trường này.

chom chom viet chinh thuc co giay thong hanh sang new zealand

Đại sứ NewZealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews và ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao biên bản ghi nhớ. (Ảnh: ppd.gov.vn)

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trái cây được xác định là 1 trong 5 mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Thời gian qua, ngành chức năng, các doanh nghiệp và nông dân đã tích cực áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến để nâng tầm chất lượng trái cây Việt, giúp nhiều sản phẩm thâm nhập được vào các thị trường khó tính.

Được biết, Việt Nam là nước đầu tiên được cấp phép trái chôm chôm vào thị trường New Zealand và đây là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam, sau xoài và thanh long, được nước này cấp phép nhập khẩu.

Chôm chôm là loài cây nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, chôm chôm được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ với diện tích khoảng 26.000ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng năm 2017 đạt 341.000 tấn. Đến nay, chôm chôm đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Canada, EU, Hoa Kỳ,…

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, tiềm năng xuất khẩu của trái chôm chôm là rất lớn, đơn cử như Hoa Kỳ, nếu như sản lượng xuất khẩu chôm chôm sang thị trường này năm 2017 chỉ đạt 300 tấn thì chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, con số này đã là 200 tấn.

Tuy nhiên, dù nhu cầu thị trường trái cây tươi rất lớn nhưng khả năng khai thác của Việt Nam còn rất hạn chế, sản phẩm rau quả chế biến chỉ đạt giá trị xuất khẩu vỏn vẹn 62 triệu USD trên tổng giá trị 950 triệu USD của cả ngành. Nếu không xây dựng ngành công nghiệp chế biến, khó phát huy được tối đa giá trị của lĩnh vực tiềm năng này.

N.L (t/h)

Đường dẫn bài viết: https://thoidai.com.vn/chom-chom-viet-chinh-thuc-co-giay-thong-hanh-sang-new-zealand-61932.html

In bài viết