17:09 | 19/04/2025
Với tổng ngân sách 180.000 EUR (tương đương hơn 5,2 tỷ đồng), Dự án đã và đang mang đến cơ hội thay đổi cuộc sống cho nhiều người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Sinh ra trong một gia đình bốn thành viên, anh L. V. Cường, người dân xã Điền Quang (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) không may mắc khuyết tật ở tay từ nhỏ. Em trai anh Cường cũng bị liệt phải nằm một chỗ và cần được sự chăm sóc hằng ngày. Cả gia đình sống dựa vào công sức lao động của bố mẹ. Với một người khuyết tật và sống ở miền núi xa xôi như anh, việc học hành, tìm kiếm việc làm hay tự chủ tài chính là điều tưởng chừng như không thể.
Bước ngoặt đến với cuộc đời anh Cường khi nhận được hỗ trợ từ Dự án “Cải thiện cơ hội sinh kế cho người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật và dân tộc thiểu số” (FMNR) do WVIV triển khai.
Anh được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ gà giống và tập huấn cách làm men vi sinh để chăm sóc đàn gà bằng thức ăn tự chế từ lá cây, cám gạo, rau quả... Từ những kiến thức được học, anh chủ động sản xuất men vi sinh để bán cho người dân địa phương. Việc này vừa giúp anh tăng thu nhập vừa lan tỏa mô hình canh tác thân thiện, hiệu quả trong cộng đồng.
![]() |
Anh L. V. Cường được hỗ trợ gà giống và tập huấn cách làm men vi sinh. (Ảnh: WVIV) |
“Thấy hiệu quả rõ rệt, tôi mạnh dạn làm men vi sinh bán cho người chăn nuôi khác. Tôi cũng chủ động học thêm nhiều kỹ năng mới từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường. Trước đây, tôi luôn nghĩ mình chỉ có thể sống nhờ vào cha mẹ. Nhưng giờ đây, tôi có thể tự kiếm sống bằng chính đôi tay khuyết tật của mình, không còn là gánh nặng cho gia đình nữa”, anh Cường chia sẻ.
Ông Cao Xuân Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang, Trưởng Ban quản lý dự án cho biết, huyện Bá Thước là một trong những địa bàn khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa - nơi đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng thu nhập lại bấp bênh do điều kiện sản xuất lạc hậu, tài nguyên suy thoái, kỹ thuật canh tác hạn chế và khó tiếp cận thị trường. Người dân nơi đây cũng thường xuyên đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai, thiếu nước tưới và đất chăn thả.
Dự án FMNR hướng tới cải thiện sinh kế bền vững dựa trên mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường, giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn mà vẫn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các hoạt động cụ thể gồm: tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tự nhiên, hỗ trợ giống cây, giống con phù hợp, hướng dẫn chế biến thức ăn chăn nuôi bằng nguyên liệu sẵn có, khuyến khích sử dụng phân hữu cơ và ứng dụng men vi sinh…
Dự án đặt mục tiêu mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 3.000 người, trong đó có 236 người khuyết tật và 334 trẻ em dễ bị tổn thương. Ngoài ra, khoảng 13.000 người sẽ được hưởng lợi gián tiếp nhờ hiệu ứng lan tỏa của các mô hình.
![]() |
Dự án FMNR hướng tới cải thiện sinh kế bền vững cho người dân. (Ảnh: WVIV) |
Theo Ông Cao Xuân Chiều, Dự án FMNR đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giúp họ chủ động áp dụng kỹ thuật mới, sử dụng phân hữu cơ, giảm chi phí và nâng cao nhận thức môi trường. Đặc biệt, vai trò của phụ nữ và người khuyết tật đã được ghi nhận và nâng cao rõ rệt. Ông kỳ vọng dự án sẽ được nhân rộng ra các thôn bản khác và tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để từng bước xây dựng thương hiệu nông sản sạch cho địa phương.
Bà Vũ Thị Vân Anh, Chuyên gia Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập xã hội của WVIV nhấn mạnh: “Nhiều người vẫn nghĩ người khuyết tật là đối tượng cần giúp đỡ, nhưng thực tế họ có đầy đủ mong muốn, khát khao được lao động, được khẳng định bản thân, tạo ra thu nhập và sống độc lập. Điều quan trọng là phải xóa bỏ các rào cản - từ định kiến xã hội, sự thiếu tự tin cho đến hạn chế trong tiếp cận cơ hội.”
Theo bà Vân Anh, khi được trao cơ hội đúng đắn, người khuyết tật không chỉ vươn lên thay đổi cuộc sống của mình mà còn tạo tác động lan tỏa tích cực tới gia đình và cả cộng đồng. “Chúng tôi luôn tin rằng đầu tư vào người yếu thế chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của địa phương”, bà nói.
![]() Ngày 20/12, tại tỉnh Quảng Ngãi, Tổ chức World Vision International tại Việt Nam (WVIV) đã phối hợp với UBND huyện Ba Tơ khởi động Dự án “Mô hình nông lâm bền vững tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Ngãi” (ESAR). |
![]() Đó là mục tiêu của Tổ chức World Vision International tại Việt Nam trong hành trình cải thiện sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế, thu nhập thấp, hộ gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương tại Việt Nam. |
Mai Anh